ĐBP - Nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua tỉnh Điện Biên đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tập trung, lồng ghép các nguồn vốn, tăng cường công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp... Qua đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, nâng cao chất lượng đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Chương trình xây dựng NTM năm 2022 trên địa bàn tỉnh ta gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nguồn vốn đầu tư. Trong khi đó, nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng NTM đến cuối tháng 5/2022 Chính phủ mới phân bổ vốn về địa phương. Vì vậy đến cuối tháng 6, HĐND tỉnh mới thông qua kế hoạch vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, năm 2022 riêng nguồn vốn chương trình xây dựng NTM gần 187,5 tỷ đồng. Việc phân bổ vốn chậm dẫn đến việc các địa phương chưa thực hiện được công tác đầu tư xây dựng và giải ngân, thanh toán nguồn vốn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện xây dựng NTM.
Vì vậy, để hoàn thành các mục tiêu, nội dung chương trình NTM đề ra, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện. Theo đó, tỉnh Điện Biên đã vận dụng linh hoạt, lồng ghép hiệu quả chương trình xây dựng NTM với các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án trên địa bàn để tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí theo lộ trình. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư chương trình xây dựng NTM, đảm bảo đầu tư hiệu quả, đúng trọng tâm theo kế hoạch đề ra, tránh nợ đọng vốn khi đã được công nhận đạt chuẩn NTM.
Cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, địa phương, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng NTM. Công tác tuyên truyền được triển khai dưới nhiều hình thức giúp người dân nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò chủ thể của mình. Ngoài ra, thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, biểu dương, khuyến khích kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những mô hình, cách làm hay trong công tác vận động người dân tham gia xây dựng NTM. Nhờ đó, người dân và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia, ủng hộ, đóng góp xây dựng NTM bằng nhiều hình thức như: Đóng góp kinh phí, ủng hộ ngày công lao động, hiến đất, vật liệu xây dựng...
Nhờ triển khai nhiều giải pháp, từ đầu năm 2022 đến nay toàn tỉnh đã huy động nguồn lực đầu tư được hơn 252,556 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm 64 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương, gần 180 tỷ vốn lồng ghép, hơn 5,6 tỷ đồng vốn tín dụng và cộng đồng dân cư đóng góp hơn 3 tỷ đồng. Từ các nguồn lực huy động, lồng ghép, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, các địa phương trong tỉnh không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện xây dựng NTM. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn NTM và 23 xã cơ bản đạt chuẩn NTM; có 1 xã đạt 13/16 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao. Thực hiện Đề án 29 xã biên giới, toàn tỉnh có 6 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đối với kết quả thực hiện xây dựng NTM cấp thôn, bản, toàn tỉnh đã công nhận 83 thôn, bản; trong đó có 36 thôn, bản đạt NTM kiểu mẫu và 47 thôn, bản NTM.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM tỉnh, từ các nguồn vốn huy động, cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp, tạo bộ mặt khang trang hơn và từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, dân sinh. Kinh tế nông thôn có bước tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị được hình thành và phát triển, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Các lĩnh vực giáo dục, y tế cơ sở được nâng cao chất lượng; đời sống văn hóa, vệ sinh môi trường ở nông thôn được cải thiện; hệ thống chính trị được củng cố, an ninh trật tự được giữ vững.
Tỉnh ta đặt mục tiêu đến hết năm 2022 có thêm 9 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM trên địa bàn toàn tỉnh lên 53 xã; phấn đấu xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới tỉnh tiếp tục tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực. Trong đó phát huy hiệu quả nguồn lực của Trung ương mới được phân bổ; sử dụng có hiệu quả các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu ở nông thôn, nhất là hạ tầng ở thôn, bản; quan tâm xây dựng hạ tầng đối với các tiêu chí có mức độ đạt chuẩn còn thấp như: Giao thông, nước sinh hoạt, môi trường, trường học... Đối với các huyện, thị xã, thành phố cân đối, chủ động bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực khác trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM. Tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng cơ bản cấp xã, thôn, bản trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, đời sống hàng ngày của người dân.